Kinh nghiệm du lịch tự túc Sapa 3 ngày 2 đêm

Sà bài đi!!! Việt Anh vừa kết thúc chuyến du lịch Lào tự túc trong 10 ngày, và giờ mình đang rất háo hức chia sẻ lại những kỷ niệm đẹp trong chuyến đi lang thang dọc vùng Bắc Lào của mình.

Nói về Lào, mình sẽ ví vẻ đẹp của Lào với một cô gái vùng sơn cước. Cô gái ấy hồn nhiên, với đôi mắt xanh trong màu ngọc bích, đẹp như những dòng thác trong rừng sâu. Còn mái tóc nàng trải dài như dòng Mekong tới từ phương Bắc.

Nàng giấu kín nét đẹp của mình sau những rừng cây xanh bạt ngàn nên nàng vẫn còn là điều gì đấy bí ẩn, mới mẻ, lôi cuốn với những  kẻ yêu thích khám phá. Hiền hòa, giản dị, lặng lẽ, yên bình là những gì Việt Anh có thể nói với bạn về Lào.

kinh nghiệm du lịch Luang Prabang
Thác Koung Si ở Luang Prabang

Đây là Lào trong trái tim mình. Còn nhắc tới Luang Prabang, thành phố mà mình sắp đưa bạn tới đây là chốn bình yên – trái tim của cô gái. Là kinh đô hoàng gia của vương quốc Lạn Xạn được hình thành cách đây gần 7 thế kỷ. Là nơi gợi nhắc cho du khách về những con phố cổ, nơi bước chân đoàn sư khất thực đã đi qua, là hình bóng của những ngôi nhà nhỏ nhắn xinh xắn mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp ở phố cổ, du khách cứ ngỡ như đang lạc vào một phương trời Âu ở giữa đất Á. Và buổi hoàng hôn trên ngọn đồi cao nhất thành phố, ngắm nhìn mặt trời lặn, cố đô lên đèn. Cả ngôi chùa cổ với cách trang trí ấn tượng chỉ có thể tìm thấy ở Luang Prabang.

Giới thiệu cũng đã dài dòng, bây giờ mình sẽ đưa bạn đi du lịch Luang Prabang Lào một chuyến nhé!

Luang Prabang ở đâu?

Luang Prabang là tên gọi của kinh đô cũ, nơi khai sinh ra vương quốc Lạn Xạn (hay còn gọi là đất nước Triệu Voi). Là trung tâm của phía Bắc Lào, cũng là kinh đô hoàng gia tuy nhiên diện tích và mật độ dân số ở Luang Prabang nhỏ và thưa (chỉ với 22,000 người). Bạn sẽ không nghe thấy nhiều tiếng động cơ xe. Sẽ thấy những buổi sáng thực sự dễ thở và thoáng đãng. Sẽ có những tầm nhìn không bị vướng mắt vì kiến trúc quy hoạch ở Luang Prabang là kiến trúc bảo tồn nét xưa cũ (không cho xây nhà quá 2 tầng).

kinh nghiệm du lịch luang prabang
Phố cổ bình yên ở Luang Prabang

Mình tưởng tượng như Luang Prabang đang nằm gọn trong vòng tay của dòng Mekong, mang theo bao phù sa đắp bồi từ rừng già phía Bắc. Nằm trong sự che chở của những núi, những đồi. Những điều này đã tạo ra một thành phố du lịch xanh – yên bình – chưa thấy ở đâu “rất Lào” đến thế!

Mình thích gì nhất ở Luang Prabang?

Nếu hỏi thích gì nhất? Chắc mình thích màu xanh, xanh của những rừng cây, của núi đồi, của những thác nước, con sông, hay đôi khi là cả tâm hồn con người. Ai đến Luang Prabang rồi cũng sẽ xanh, cũng sẽ lại nhẹ nhàng. Thành phố này đến kì lạ!

Ngoài ra mình còn thích một điều nữa, bên cạnh màu xanh, là những trang trại voi có các thuần hóa và kết nối với Voi mà không cần gậy nhọn hay roi da. Họ có thể kết nối và điều khiển những chú voi bằng giọng nói – điều ấy khiến bất cứ du khách nào cũng không khỏi ngạc nhiên, trầm trồ ngưỡng mộ. Nơi duy nhất bạn được ngồi trên cổ của một chú voi, chỉ có mình bạn.

kinh nghiệm du lịch luang prabang
Cưỡi voi ở Luang Prabang

Và còn rất nhiều điều nữa, mình sẽ kể cho bạn ở bên dưới đây. Những kinh nghiệm di chuyển tới Luang Prabang, kinh nghiệm thuê khách sạn rẻ gần trung tâm, ăn uống, địa điểm du lịch, lịch trình, những điều cần lưu ý…vv

Đi đến Luang Prabang bằng cách nào?

Mình đến Lào bằng xe khách theo đường Điện Biên, cung đường dài, khó đi, vắng và mình khuyên bạn không nên đi đường ấy.

Ở Lào địa hình chủ yếu là đồi núi, nhất là vùng phía Bắc. Hiện nay có hai cách di chuyển phổ biến nhất là: đi đường bộ (xe khách, đi ô tô từ Việt Nam và đi xe máy) và đường hàng không.

Vì Luang Prabang nằm ở phía Bắc của nước Lào, nên với những thanh niên ở miền Bắc của Việt Nam như mình di chuyển sang Luang Prabang sẽ dễ dàng hơn các bạn ở miền Trung hoặc miền Nam.

Tuy nhiên Lào cũng là nơi thích hợp cho một chuyến đi khám phá bằng xe máy. Bạn sẽ có cơ hội ghé thăm và trải nghiệm cuộc sống của những người bản địa hai bên đường quốc lộ nối từ Luang Prabang đi Vang Vieng, Nong Khiaw, Udomxay…vv

Đi xe khách từ Hà Nội

Đi du lịch Lào mình chỉ ngán ngẩm nhất là chuyện nằm xe, 24h nằm trên xe bus để đi từ Hà Nội đến Luang Prabang. Nhưng bao trở ngại, bao gian nan của bạn cũng sẽ được Lào đền đáp cho thỏa đáng, bằng cảnh đẹp thiên nhiên và con người.

Từ Hà Nội đi Luang Prabang có hai cách:

(1) đi xe khách thẳng từ Hà Nội – Luang Prabang ở bến xe nước ngầm

và (2) đi xe Hà Nội – Điện Biên – Luang Prabang.

Cách (2) khó đi và mệt hơn vì xe từ Điện Biên sang Luang Prabang là xe ngồi, chỉ dành cho những thanh niên nào thích tạt té đi chơi ở Nong Khiaw hoặc Udomxay. Còn không, cứ Hà Nội – Luang Prabang mà thẳng tiến!

kinh nghiệm du lịch Luang Prabang
Cảnh bên ngoài xe từ Điện Biên đi Luang Prabang

Thông tin xe khách Việt Nam – Luang Prabang (chạy ở Hà Nội) không cố định, có xe chạy thứ 2-4-6, có xe chạy ngày 3-5-7, có xe ngày nào cũng chạy nên Việt Anh không lấy được thông tin, đành khuyến cáo mọi người nên ra bến xe nước ngầm đặt xe trước ngày đi.

Với những bạn ở xa có thể gọi điện đặt trước qua hãng bus VIETTRANS – Hotline: 093 254 1114 – Xuất phát tại Hà Nội (có hai điểm đón là phố cổ Hà Nội và bến xe Nước Ngầm) đi qua cửa khẩu Nậm Cắn ( Nghệ An) và đến Luang Prabang.

Giá vé: từ 900,000 – >1,000,000VND/chiều (tùy từng thời điểm)

Lưu ý: nên đặt vé xe trước ngày đi 2-3 ngày tại bến xe Nước Ngầm (Hà Nội)

Đi Luang Prabang từ Hồ Chí Minh

Nếu đi từ Hồ Chí Minh, các bạn có thể:

(1) bay ra Hà Nội để đi xe khách sang Lào.

Hoặc (2) đi xe khách lên Kon Tum (cửa khẩu Bờ Y) và bắt xe đi Pakse – Vientiane rồi đi tiếp qua Luang Prabang.

Đi xe máy hoặc xe ô tô riêng qua Luang Prabang

Mang xe qua Lào rất đơn giản, mình có anh bạn từng mang xe máy qua Lào, anh bạn chia sẻ lại “các bạn chỉ cần giấy tờ chính chủ và bằng lái xe quốc tế” là mang xe qua được. Ở cửa khẩu người ta không làm khó, chỉ cần đóng tiền lệ phí là cho qua.

Với xe máy các bạn cầm bằng lái xe phổ thông ra cục đường bộ ở thành phố mình sống để đổi nhé, khoảng 7-10 ngày là có. Bằng lái xe ô tô mình chưa tìm hiểu được.

Các cửa khẩu Việt Lào bạn có thể đi:

Cửa khẩu Tây Trang (Điện Biên) – Cửa khẩu Loong Sập (Mộc Châu) – Cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) – Cửa khẩu Nậm Cắn (Nghệ An) – Cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) – Của khẩu Cha Leo (Quảng Bình) – Cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) – Cửa khẩu Na Mèo (Thanh Hóa)

Lưu ý: Visa thường được chấp nhận ở tất cả cửa khẩu. Visa điện tử chỉ được chấp nhận ở 3 cửa khẩu: Nậm Cắn, Cầu Treo, Bờ Y bạn nhé!

Bài viết liên quan